Điểm Sáng
Hồi học đại học, tôi làm thêm công việc dạy khiêu vũ, và đó cũng là thời điểm tôi bắt đầu làm việc với những người khuyết tật.
Một hôm, tôi nhận được điện thoại từ một phụ nữ. Bà ấy nói bà ấy sống cùng một cô gái khuyết tật rất yêu âm nhạc, rồi hỏi liệu tôi có thể thử gặp cô gái này và dạy cô ấy khiêu vũ được không. Tôi quyết định rằng mình cũng nên thử.
Tôi và cô gái kia học cùng nhau 2-3 buổi – những buổi học luôn khiến tôi mệt nhoài, và tôi cho rằng đó là vì phải dạy kiểu “một thầy một trò”.
Tôi gọi điện lại cho người phụ nữ hôm trước và nói rằng cô gái này sẽ học tốt hơn nhiều nếu tổ chức được một nhóm. Theo tôi thì đây là một cách khéo léo để nói với bà ấy rằng tôi “từ chức”.
Thế nhưng chỉ vài hôm sau, người phụ nữ gọi lại và thông báo: “Tôi đã tìm thêm được 3 người muốn học nữa rồi!”.
Cho rằng “chạy trời không khỏi nắng”, tôi quyết định sẽ theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc. Tôi tới gặp một thầy giáo trong trường – thầy chuyên về giảng dạy cho học sinh khuyết tật, và đề nghị được tham gia học một khóa của thầy.
Thầy bảo tôi: “Không, Ellie ạ, nếu thầy là em thì thầy sẽ không học đâu”.
Khi tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, thầy đáp: “Nếu em học các khóa của tôi, tôi sẽ phải nói với em về tất cả những điều mà những người khuyết tật KHÔNG THỂ làm được. Nhưng nếu em cứ tự tiến lên và cố gắng dạy họ những gì em biết, theo kinh nghiệm của riêng em, và kỳ vọng họ làm được, thì rất nhiều trong số họ sẽ thành công. Và nếu em không dạy được họ theo cách này, em lại sẽ cố gắng tìm cách khác để dạy họ”.
Và thế là tôi không học các khóa của thầy ấy.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã có 30 học trò: Các bạn tuổi teen và cả người lớn tới tuổi 40. Họ đều bị khuyết tật về thần kinh, nhưng mỗi người đều có những khả năng và cá tính riêng, cũng như bạn và tôi.
Vừa dạy họ, tôi vừa học: Học những cách mới để dạy những điều mình đã biết; học được rằng những học trò của mình cũng có nhiều điểm giống những học trò khác; học được rằng tôi có những ngôi sao có thể chưa sáng ngay lập tức nhưng không phải mãi mãi lặng im.
Tôi dồn tình yêu âm nhạc và khiêu vũ vào lớp học. Không một ai nói rằng họ không thể làm được. Chúng tôi cùng tập những bước nhảy mới, cùng cười và cùng chia sẻ tình yêu âm nhạc.
Trong lớp của tôi có một học sinh tên là Dan – có vẻ chẳng học được gì mấy. Cậu ấy chỉ ngồi trong một góc, gật đầu và thỉnh thoảng ngân nga theo nhạc. Mỗi khi hết giờ, Dan lặng lẽ đi về.
Tôi thấy mình không thành công trong vai trò giáo viên của Dan. Thế mà có lần tôi đã gặp bố mẹ cậu ấy trên phố và họ cảm ơn tôi vì đã dạy con mình. Họ nói lớp học khiêu vũ của tôi là “điểm sáng” mỗi tuần của Dan.
Tôi cứ băn khoăn mãi, không biết có phải họ chỉ tỏ ra lịch sự thôi hay không.
Một tuần sau đó, trên đường đến lớp, tôi gặp phải con đường bị tuyết rơi lấp kín và tôi đến muộn. Khi lái xe vào bãi đậu xe của trường, tôi thấy phía trước tôi, ở dòng xe bên cạnh, chính là cậu học sinh đặc biệt: Dan, và một người đi cùng để giúp đỡ cậu ấy.
Trong lớp, Dan vốn lặng lẽ, nhưng buổi tối hôm đó, khi nhìn Dan bước ra khỏi xe ô tô, tôi đã thấy một điều mà tôi không bao giờ quên được: Cậu ấy nhanh nhẹn, khuôn mặt đầy hứng khởi, đầy hy vọng, đầy vui sướng trong khi rảo bước về phía tòa nhà có phòng tập khiêu vũ.
Tôi nhìn vẻ tươi tắn của Dan và biết rằng lớp học khiêu vũ thực sự là “điểm sáng” trong tuần của cậu ấy. Tôi thấy nước dâng lên mắt mình khi nhận ra thực tế rằng, dù tôi không thấy Dan nổi bật trong lớp, nhưng rõ ràng lớp học có ý nghĩa rất nhiều với cậu ấy. Dan thực sự yêu lớp học. Cậu ấy trông chờ đến buổi học, và không nghỉ ngay cả trong một ngày bão tuyết. Tôi đã thành công.
Sau này, khi đã trở thành một giáo viên chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn tự nhắc mình rằng mỗi người, dù là người lớn hay trẻ em, đều có những cách học khác nhau.
Và tôi luôn nhớ rằng, cứ với tay ra, rồi bạn sẽ chạm tới người khác, bằng một cách nào đó. Chỉ cần bạn không dừng lại, thì bạn không thất bại, cho dù công việc của bạn là gì.
Cứ với tay ra, rồi bạn sẽ chạm tới người khác.
Ellie Braun – Haley