Chợ Quê
admin
#1 Đã gửi : 28/04/2014 lúc 02:20:25(UTC)
Danh hiệu: Guest

Nhóm: Administrators, Registered
Gia nhập: 27-03-2014(UTC)
Bài viết: 250
Man
Đến từ: Trụ sở Công ty

Cảm ơn: 8 lần
Được cảm ơn: 80 lần trong 66 bài viết
CHỢ QUÊ


Những chuyến đi dài, rong ruổi qua các vùng miền, với bao nhiêu là cảnh, là người. Những ngôi chợ quê vẫn đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất, bởi vì đâu đó thấp thoáng ký ức của tôi về Ngoại, về những hàng xóm láng giềng mộc mạc chân chất, gần cả cuộc đời gắn liền với những phiên chợ...



Chợ trong ký ức của tôi bình yên lắm. Ở đó, nhà nào có mớ rau cọng cải, dăm ba trái mướp, trái bầu, những người mẹ người vợ luôn chọn những quả ngon nhất đem ra chợ bán để lấy ít tiền mua gạo, mua cá, đôi lúc nhính ra chút đỉnh mua tí quà bánh cho lũ trẻ ở nhà, đang háo hức chờ mẹ đi chợ về có bánh cho con. Hồi đó, tôi thèm nhất là chè bánh canh. Sợi bánh làm từ bột gạo, cắt thành từng đoạn cỡ gang tay, nấu với nước đường và lá dứa, sợi bánh có màu vàng ươm, vị ngọt của đường quyện với vị béo của nước cốt dừa cộng với mùi thơm lừng của lá dứa, ngon tuyệt.
Ở đó, dì Ba hàng xóm cứ sáng sáng lại làm ít bánh bò, bánh bông lan, bánh hỏi, ngày rằm, ba mươi thì thêm các món chay, đợi xế chiều cho tất cả vào đôi gánh, quẩy ra chợ bán. Mấy món của dì món nào cũng thơm ngon hấp dẫn, nếu ở Sài Gòn thế nào cũng nổi tiếng giống như Cô Ba Vũng Tàu, hay Bà Chín Bà Mười chi đó. Ở đó có dì Bảy bán thuốc rê, thứ thuốc chưa qua xử lý, gom thành từng bó nhỏ với những sợi thuốc lá quấn vào nhau, màu đen xì lì cũng có, màu vàng tươi cũng có, cùng mớ giấy quyến để quấn thuốc mà đốt. Dì bán thuốc rê mà miệng lại nhai trầu bỏm bẻm, nước trầu túa ra khóe mép đỏ ấm ao, “môi tao lúc nào cũng đỏ như son.” Hồi đó mỗi chiều đi chợ tôi lại ghé mua mấy trăm đồng thuốc về cho ba hút, riết rồi cái mùi thuốc nó ngấm vào tôi lúc nào không biết!
Ở đó có bà Chín người nhỏ choắt, như 1 đứa trẻ lên mười, lúc nào cũng phì phà điếu thuốc rê đến nỗi môi thâm xì, ngày ngày đi giật hoa chuối và rọc lá chuối xếp thành bó đem ra chợ bán, gần 70 tuổi rồi mà vẫn phải bươn chải mưu sinh, “nghỉ một ngày là đói một ngày, ở không thì ai đâu mà nuôi, có con có cháu mà cũng như không”, đó là câu cửa miệng của bà mỗi khi ai đó vô tình hỏi thăm, “sao già rồi không ở nhà cho khỏe?”. Ở đó mấy Dì Ba Dì Bảy, Chị Chín Chị Mười vừa buôn bán vừa tỉ tê tâm sự chuyện nhà, kiểu như “hôm qua thằng chả xỉn về rượt mấy mẹ con chạy có cờ, khuya lơ khuya lắc còn nấp ngoài vườn, sợ vô nhà chả hay chả quýnh”, hay là “có con gà để dành đám giỗ ông ba mà đứa ác ôn nào nó ăn mất, biết lấy gì mà cúng, tội ổng mê món gà luộc”. Cũng có khi là chuyện người “sáng đi đưa đám anh Hai, ông Thầy Nam chùa Hòa Khánh không chịu ngồi xe tang mà đòi ngồi xe hơi nhà ông Bảy, ông Bảy nói ngồi dzậy rồi ai tụng kinh dẫn đường, Thầy giận không tụng luôn, Thầy Bà gì cà chớn. “Rồi không lâu sau đó“ ông Thầy Nam bị bệnh gì ở não, nghe nói không còn bao lâu, chưa đầy ba mươi tuổi, cũng tội, tu rồi mà không tránh khỏi nghiệp”...Đôi khi có người buôn bán ở xa lâu lâu họp chợ, đem tin tức tứ phương về “tui thấy con Bà Nhím chưng diện đi tiếp thị bia ở trển” hay là “tui thấy vợ chồng thằng Út con ông Tư đi xe xế hộp, chắc làm to lắm”...
Chợ theo cảm nhận của tôi như đầu mối tập trung tin tức, và cũng vì điều này mà gắn với hình ảnh của Bà tôi, với câu chuyện đời li kì nhiều tình tiết không thua gì mấy tuồng cải lương cổ như Đời Cô Lựu hay Lá Sầu Riêng. Nghĩ lại chắc soạn giả Trần Hữu Trang hay Kim Cương cũng lấy câu chuyện có thật của cảnh đời những năm một ngàn chín trăm hồi đó mà viết lên mấy vở tuồng lượm nước mắt này... Ngoại nói cuộc đời Ngoại gắn với cái chợ từ năm 17 tuổi, khi đó bị dì ghẻ ép hôn, không còn người thân nào bênh vực, Ngoại trốn đi, tự mưu sinh. Ngoại làm đủ thứ, từ gặt mướn làm thuê, kiếm được chút tiền, thấy nhà nào có thứ gì bán được Ngoại lại mua về, tranh thủ sáng sớm gánh ra chợ bán rồi đi làm. Lúc gặp ông Ngoại vì môn đăng hộ đối, hợp rồi tan, tan rồi lại hợp, khi sum vầy lại tiếp cái cảnh chăm sóc con của chồng mình với người khác vì Ngoại đến lúc này vẫn chưa có con, vậy mà Ngoại thương yêu coi như đứa con đầu của mình (gọi là con Hai). Đến khi Ngoại sinh được con thì Ngoại kế lại bồng đứa con đầu đi biệt xứ, làm cho ông Ngoại thương nhớ khôn nguôi, bao nhiêu tài sản đều đội mũ đi theo ông trên khắp nẻo đường tìm kiếm, của cải không còn mà tin tức thì bặt tăm. Chỉ còn lại những tiếng thở dài đau đáu của ông bên mâm cơm chiều hay những đêm trở mình không yên giấc. “Tao thấy mà xót xa, nên phần ổng đi tìm xa, phần tao đi tìm gần.”
Vậy là Ngoại buôn bán trở lại, đi đầu trên xóm dưới,xa có gần có, tìm cái này mua cái kia bán, vừa để nuôi chồng con, vừa để hỏi thăm tin tức của 2 mẹ con con Hai. “Ra chợ cứ thấy ai đi mua bán xa về tao lại hỏi thăm, nhờ để ý giúp. Mới đầu nghe ai nói ở chỗ nào có 2 mẹ con kiểu như vậy, tao nói ổng đi tìm, mỗi lần đi về mỗi lần thất vọng.” (Bởi mới nói tin tức ở chợ được cái nhanh chóng còn chính xác thì còn tùy...trời). “Riết rồi tao không nói cho ổng nữa, hay tin thì tự đi kiếm, ngày qua ngày vẫn cứ bặt tăm, người trốn người tìm biết đâu mà lần.” Thành ra cả chợ cả làng ai cũng biết Ngoại, biết cái vụ đi tìm con của chồng. Hai mươi lăm năm trôi qua, gia sản tiêu tan, nỗi lo cơm áo gạo tiền cộng với nỗi nhớ nỗi đau cứ quay quắt làm tàn lụi con người, hi vọng đã không còn nữa. “Bữa nọ đang ngồi bán thì chú Tư tới nói gặp Ngoại kế, mới hay tin con Hai nằm viện sắp chết, kêu ổng vô Sài Gòn gặp mặt lần cuối. Tao vừa mừng vừa rầu, thấy tội cho ổng quá. Nhà nghèo không có gì, có con gà đang ấp, tao nói để làm thịt đem vô thăm con Hai, ổng kêu chặt 1 nửa để lại cho tụi nhỏ, 1 nửa mang đi vô thăm con, đâu cũng là con, phải chia cho đều, tao thương là thương ổng có tình có nghĩa dzậy đó.” Trời còn thương nên con Hai qua khỏi, đem về nhà tịnh dưỡng. Hai lăm năm trời chưa bao giờ tao thấy ổng vui vầy. Mấy tháng này, đi chợ bán gặp ai tao cũng khoe, “tui tìm thấy con Hai rồi!”...
Ông Ngoại mất không lâu sau đó, Ngoại từ đó cũng thôi không còn ra chợ bán, vì đã thôi cuộc tìm kiếm, vì nhiều chứng bệnh do tuổi trẻ làm quá sức. Bây giờ, cứ đến ngày giỗ ông, Ngoại lại hỏi “Con Hai có về không?” và vẫn cái điệp khúc mỗi lần gặp mặt “con về là ổng vui lắm đó!” Rồi hối dì Út “làm con gà cho con Hai ăn” hay là “con Thanh nó thích ăn trứng gà, luộc ổ trứng cho nó đem về trỏng”, vậy là dì Út xử luôn ổ trứng gà đang ấp! Có lần tôi đem về cho Ngoại lọ dầu xức nhức mỏi, mấy tháng sau hỏi Bà nói không dám xài, “khi nào nhức quá mới dám xức, sợ hết!” Đem bộ đồ mới về Ngoại cũng để dành “để tới đám giỗ ổng rồi mặc”, từng đồng tiền dù lớn dù nhỏ Bà đều vuốt phẳng phiu trước khi cất (chứ không tiêu xài), “hồi đi bán, tối nào về tao cũng xếp tiền phẳng lại, mình giữ gìn nó thì nó mới ở với mình”...
Bây giờ Bà đã gần trăm tuổi, mắt đã mờ, lưng đã còng lắm, chỉ có thể ngồi mà nhích từng bước chứ không thể đi như bình thường được, và như những người già khác, chuyện mới thì quên, được cái nhớ chuyện cũ. Trong những câu chuyện cũ của Bà chỉ có những hình ảnh ấm áp vui tươi của những ngày đi chợ mua bán, của những buổi đoàn viên chứ tôi chưa từng nghe Bà than thỉ hay buồn rầu cho phận đời mình. Vì theo Bà hành trình của Bà kết thúc có hậu, Bà cũng thực hiện được lời nguyện “tìm được con Hai về”. Cũng vì những câu chuyện hồn hậu đó mà tôi thêm yêu chợ, dạt dào xúc cảm mỗi lần nhìn thấy những ngôi chợ mộc mạc ở vùng quê xa xôi, nơi có những tình người ấm áp như Bà vậy!
Sài Gòn, 30/06/2013.
Ngọc Thanh.
1 người cảm ơn admin cho bài viết.
Dang Thai Hung trên 28-04-2014(UTC) ngày
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Green-Grey Theme Created by Ingo Herbote (WatchersNET.de)
Powered by YAF 1.9.5 RC1 | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.111 giây.