Chiếc đồng hồ
admin
#1 Đã gửi : 28/04/2014 lúc 02:13:56(UTC)
Danh hiệu: Guest

Nhóm: Administrators, Registered
Gia nhập: 27-03-2014(UTC)
Bài viết: 250
Man
Đến từ: Trụ sở Công ty

Cảm ơn: 8 lần
Được cảm ơn: 80 lần trong 66 bài viết
Tự Truyện
CHIẾC ĐỒNG HỒ


Quê tôi thuộc vùng đất cù lao, một vùng đất mà cuộc sống hầu hết mọi người dân gắn liền với nghề làm rẫy được truyền từ đời cha ông để lại. Gia đình tôi cũng là một trong số gia đình sống bằng nghề truyền thống ấy.
Thuở nhỏ, tôi thường theo cha ra đồng, hễ cha đi trước, con đi theo sau. Tôi có nét giống cha tôi ở cái tướng đi mà ai nhìn cũng ghẹo là “giống y như đúc”. Cha tôi với thân hình nhỏ nhắn, gầy gò, nhưng cha có sức khỏe thật dẻo dai. Mỗi ngày, cha tôi có thể gánh trên vai hàng trăm đôi nước tưới rẫy hoặc cuốc cả trăm mét vuông đất mà vẫn khỏe re! Đặc biệt, kinh nghiệm làm rẫy của cha tôi cũng thuộc bậc “có hạng” trong xóm. Những thanh niên mới bước vào nghề làm rẫy thường đến gặp cha tôi uống cà phê hoặc nhậu lai rai để được “chỉ giáo” cách trồng rẫy, đặc biệt là cách trồng các loại hành, hẹ, dưa leo, ớt,…
Ở làng tôi đa phần trẻ em đến người lớn tuổi đều phải ra rẫy vì công việc làm rẫy phải cần nhiều lao động. Ý thức về việc học hành của con cái khi ấy không được coi trọng. Thông thường thì gia đình chỉ cho con cái học đến biết chữ là cho nghỉ học về phụ giúp gia đình. Tôi có phần may mắn hơn những trẻ nhỏ đồng trang lứa là được gia đình cho đi học đến nơi đến chốn và luôn có sự động viên đúng đắn về hiệc học hành.
Năm tôi học lớp 5, ngoài giờ đi học tôi phải phụ gia đình các công việc đồng án như làm cỏ, phủ rơm, thu hoạch rau,… Vào một buổi chiều đi hái ớt với cha, cha tôi có hứa với tôi rằng nếu con thi đậu vào lớp 6, cha sẽ mua cho con chiếc đồng hồ xem như món quà khích lệ để con cố gắng học.



Vào thời điểm ấy, giá trị một chiếc đồng hồ cũng là một khoản đầu tư lớn đối với gia đình làm nghề rẫy chỉ đủ ăn như gia đình tôi. Còn đối với đứa trẻ như tôi thì đó là món quà có giá trị vô cùng to lớn về mặt vật chất cũng như tinh thần. Tôi hứa với cha sẽ học thật tốt để thi đậu vào lớp 6 để không phụ lòng cha mong đợi.
Rồi như mong đợi của cha, tôi đã thi đậu vào lớp 6 cuối năm học ấy. Cái cảm giác sung sướng của một đứa trẻ tiểu học được bước vào trung học cộng với niềm vui sướng khi đáp ứng được kỳ vọng của cha mình như đang trào dâng trong tôi. Như lời đã hứa, cha tôi mua cho tôi chiếc đồng hồ trước khi tôi tựu trường vào lớp 6. Khi cha đưa cho tôi chiếc đồng hồ, tôi vội vàng đeo vào tay với niềm vui khôn tả. Tôi bắt gặp nụ cười của cha tôi hiện trên đôi môi như quên đi nỗi vất vả khi hằng ngày phải gánh trên vai hàng trăm đôi nước, cũng như quên đi nỗi vất vả phải thức khuya dậy sớm từ công việc đồng áng.
Năm tôi vào lớp 6, tôi nhỏ hơn các bạn cùng lớp của tôi. Tôi nhỏ hơn các bạn vừa ở độ tuổi (do tôi học trước 1 tuổi) vừa ở thể hình nhỏ con giống cha tôi. Tôi còn nhớ một kỹ niệm vui vào giờ một buổi học thể dục đầu tiên, khi tập trung đến giờ học, thầy giáo dạy thể dục bảo tôi đi chổ khác chơi để các anh chị học. Tôi bảo tôi là học sinh của lớp này, thầy cười và bảo vậy em vào xếp hàng với mấy bạn đi nhé! Do tôi có thân hình nhỏ con nên có những thằng bạn tinh nghịch thường hay đùa giỡn với tôi và thường thì tôi có phần thua thiệt so với bọn chúng. Một lần nọ trong lúc đùa giỡn, thằng bạn đẩy tôi té ngã, vô tình làm chiếc đồng hồ đập xuống đất vỡ cả mặt kiếng. Tôi vô cùng tức giận và khóc tức tưỡi, chiếc đồng hồ yêu quý của cha cho tôi đã bị làm vỡ. Tôi rất lo sợ cha buồn và mắng không biết phải làm sao. Khi về nhà, tôi không dám nói với cha và cố dấu chiếc đồng hồ bị vỡ. Tôi cố kiếm tiền để thay cái mặt kiếng đồng hồ. Tiền mẹ cho đi học tôi tiết kiệm để dành cộng với tiền tôi hái rau má bán (thứ rau tự mộc trong ruộng rẫy), tôi tích lũy để đi sữa lại chiếc đồng hồ. Ba ngày sau đó, trong lúc tôi nằm ngủ chợt tỉnh giấc, tôi nghe cha tôi nói với mẹ tôi rằng nó làm vỡ mặt kiếng đồng hồ mà nó không nói. Lúc này, trong đầu tôi nghĩ sẽ bị cha mắng cho một trận (từ khi tôi biết cho đến lớn, cha tôi không hề đánh tôi). Tuy nhiên, khi thức dậy cha tôi không mắng tôi mà cha còn nói chuyện rất nhỏ nhẹ và dạy tôi đúng sai:
- Đồng hồ bể rồi thì đưa cha đi thay kiếng sữa lại có gì đâu con phải sợ. Mà tại sao con làm bể nó vậy?
- Tôi kể lại nguyên nhân do thằng bạn trong lúc đùa giỡn đã xô con ngã và vô tình làm bể kiếng.
Cha khuyên tôi không nên đùa giỡn với bọn nó nữa. Đồng hồ có hư thì sữa lại được, đùa giỡn mạnh tay rồi ảnh hưởng nguy hiểm đến con rồi sao.
Tôi nhìn cha mà không ngăn được nước mắt. Tôi đưa tiền đã để dành được cho cha để sữa cái đồng hồ. Cha tôi cười và bảo: “Cha lo được cho con mà”. Từ chuyện cái đồng hồ, tôi nhận ra được sự hy sinh và lòng vị tha mà cha dành cho tôi là vô bờ bến. Ý thức hình thành trong tôi là phải học thật tốt để đáp lại sự hy sinh cao cả đó.
Rồi thời gian trôi qua thật nhanh, tôi học hết phổ thông, học đại học rồi lấy được tấm bằng kỹ sư. Chiết đồng hồ cha mua cho tôi có thể đo đếm được quảng thời gian đó bằng một con số, nếu tính bằng đơn vị lớn nhất của chiếc đồng hồ là ngày thì cũng ra một con số khổng lồ. Nhưng sự hy sinh và nỗi vất vã gia đình dành cho tôi trong khoảng thời gian đó thì không thể đo đếm được bằng bất cứ vật gì. Tôi cố gắng đi làm để lo cho gia đình có cuộc sống tốt hơn, để cha mẹ tôi không không phải vất vã nữa.
Chiếc đồng hồ đối với tôi là một kỷ niệm đẹp, nó giúp tôi nhận ra được sự hy sinh cao cả mà gia đình dành cho tôi ngay từ thuở nhỏ. Tôi ước mong cha mẹ tôi luôn sống khỏe mạnh và hạnh phúc để tôi được đền đáp lại sự hy sinh cao cả đó. Và thời gian sẽ tiếp tục trôi, chiếc đồng hồ vẫn hoạt động để đo đếm thời gian. Nhưng tôi không muốn chiếc đồng hồ đo đếm những ngày tháng cha mẹ tôi được sống vui, sống khỏe và hạnh phúc. Vì tôi luôn ước mong thời gian đó là vô tận!

An Giang, 29/06/2013.
Văn Chương.

1 người cảm ơn admin cho bài viết.
Dang Thai Hung trên 28-04-2014(UTC) ngày
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Green-Grey Theme Created by Ingo Herbote (WatchersNET.de)
Powered by YAF 1.9.5 RC1 | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.144 giây.