HẬU GIANG MẾN YÊU
Vị Thanh, 2013
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
……
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người.
Cứ mỗi lần nghe những lời bài hát ấy trong lòng tôi lại lắng đọng với bao niềm cảm xúc, hai từ “quê hương” nghe sao sâu nặng nghĩa tình và thân thiết biết bao. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có quê hương, nơi có bao kỷ niệm từ thuở mới lọt lòng, cho dù có làm việc gì, có đi đến đâu chăng nữa thì những hình ảnh về quê hương vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí. Bản thân tôi cũng thế những hình ảnh về quê hương của mình, những kỷ niệm gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên vẫn luôn in sâu trong lòng và càng yêu mến, tự hào biết bao khi thấy quê hương mình ngày một đổi thay và phát triển.
Trước đây khi viết về quê hương tôi chỉ viết rất chung, nhưng hôm nay tôi sẽ viết về miền đất nơi tôi sinh ra và lớn lên và cũng là dịp để tôi có thể giới thiệu với mọi người về miền quê yêu dấu này.
Nằm bên bờ Tây sông Hậu - Quê hương tôi - Quê hương Hậu Giang với nét đẹp của một vùng đất mới trẻ trung, tiềm năng với những con người luôn biết chịu khó vươn lên và giàu lòng hiếu khách. Hậu Giang trước đây là một vùng đất còn kém phát triển, đất đai còn nhiều hoang vu rất nhiều những cánh đồng với bưng biền, năn lát… nhưng với bàn tay lao động cần cù, chịu thương, chịu khó cùng với sự tìm tòi, sáng tạo người dân nơi đây đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Hậu Giang. Ngày nay, Hậu Giang như thay áo mới với những cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát, những vườn trái cây sum xuê trĩu quả, trường học, nhà máy… chen chúc mọc lên, đời sống người dân ngày được đổi mới. Với vùng đất này nơi mà bao kỷ niệm êm đềm gắn liền với tuổi thơ tôi. Tôi còn nhớ rất rõ màu vàng rực của bông điên điển mùa nước nổi tôi cùng đám bạn chèo ghe đi hái về cho mẹ nấu bửa cơm chiều ấm áp nghĩa tình, tôi cũng nhớ rất rõ vị chua và mùi thơm thoảng của những trái bần chín ven sông, những buổi trưa hè tắm sông… và có lẽ tôi không bao giờ quên được hương vị của những chiếc bánh mà bà tôi hay làm mỗi khi chị em tôi được nghỉ học ở nhà, bà tôi hay làm bánh nắn lá, bánh canh, bánh lá dừa… nhưng có lẽ không quên được đó là những chiếc bánh xèo, bánh khọt, bánh ăn với nhiều loại rau vườn, chấm với nước mắm chua chua cay cay, cái hương vị ấy cứ làm tôi nhớ mãi, lâu lâu lại nghe tiếng hít hà với vị cay của nước mắm ăn với bánh, tiếng nói cười rộn rã của cả gia đình, những khoảnh khắc ấy có lẻ suốt đời cũng không quên được.
Tạm dừng lại với những cảm xúc lắng đọng cùng những kỷ niệm của tuổi thơ thật hồn nhiên, thật đẹp, trở lại với những nét đặc trưng của đất Hậu Giang. Khi nhắc đến một vùng quê nào đó thì không thể không nhắc đến những vùng đất anh hùng và những di tích lịch sử oai hùng của cha anh thời trước, những địa danh như đền thờ Bác (Lương Tâm - Vĩnh Diễn), khu trù mật Vị Thanh - Hoả Lựu, khu căn cứ tỉnh uỷ xã Phương Bình, khu di tích chiến thắng Tầm Vu (Thạnh Xuân - Châu Thành A)… vẫn còn vang mãi, bên cạnh đó cũng có những khu du lịch sinh thái đang được đầu tư phát triển và cũng thu hút rất nhiều du khách đến tham quan như khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khu du lịch sinh thái rừng tràm (Vị Thuỷ), chợ nổi Ngã Bảy… song song đó còn có những lễ hội mang đậm nét văn hoá dân tộc như lễ hội dâng hoa đền thờ Bác, lễ hội cúng đền, lễ hội đua ghe ngo của đồng bào dân tộc K’mer trên kinh xáng Xà No...
Hậu Giang mang một nét đẹp giản dị của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, phù sa trên những con sông đã làm cho đất đai nơi đây thêm màu mỡ góp phần tạo ra những ruộng lúa, rẫy mía xanh tươi, những vườn trái cây sum xuê với những loại trái cây đặc sản như bưởi 5 roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, bưởi hồ lô Châu Thành, khóm Cầu Đúc…
Về miền Tây thăm đất Hậu giang
Thương câu hát để ru bao đời
Thương cây lúa lớn nhanh theo người
Dầm mưa dải nắng tưới xanh ruộng đồng
Đời vui nước trôi ngược dòng
Tình phù sa tuy đục mà trong
……
Nói đến Hậu Giang còn có nhiều địa danh, nhiều nét văn hoá đặc trưng nữa nhưng có lẻ ấn tượng sâu sắc trong tôi đó chính là dòng kinh xáng Xà No cùng với thành phố Vị Thanh trẻ trung. Kinh xáng Xà No trải dài từ xã Nhơn Nghĩa đến rạch Cái Tư, được xem là con đường thuỷ huyết mạch. Cả ngày lẫn đêm trên con sông này xuôi ngược hàng trăm ghe tàu chở hàng hoá tấp nập, xuồng ghe người dân lưu thông qua lại, hai bên bờ là những xóm ấp, những vườn trái cây xanh tốt thể hiện sự phát triển của một vùng đất mới, kinh xáng Xà No cũng gắn liền với những lễ hội, những sự kiện như Festival lúa gạo, lễ hội đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer… Mọi người sẽ được chứng kiến cuộc thi thật quyết liệt của những đội ghe, hai bên bờ sông là tiếng reo hò, vỗ tay của những cổ động viên nhiệt tình làm cho cả một khúc sông trở nên tưng bừng náo nhiệt.
Lễ hội đua ghe ngo trên kinh xáng Xà No
Dọc theo kinh xáng Xà No là công viên bờ kè ngay trung tâm thành phố Vị Thanh, nơi mà người dân nơi đây có thể đi dạo, tập thể dục, trò chuyện thư giản, trẻ con có thể vui đùa… trên bờ kè rất ấn tượng với những tác phẩm điêu khắc bằng đá trắng, ngoài ra tô điểm thêm cho bờ kè này còn có những hàng cây xanh rất đẹp với nhiều loại cây với những bông hoa đầy màu sắc như hoa ban, hoàng hậu, bằng lăng tím, liễu đỏ, dừa kiểng…
Bờ kè kinh xáng Xà No
Khi chiều về ngồi bên bờ kè của thành phố ven sông nhìn mọi người, nhìn tàu ghe qua lại trên dòng nước êm dịu tôi cảm thấy có một sự bình yên và những mệt nhọc, căng thẳng sau một ngày làm việc như dần tan biến. Chiều về trên kinh xáng Xà No thật đẹp, Vị Thanh – thành phố trẻ trung sáng rực ánh đèn, không gian bờ kè mát dịu, lắng nge tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ như lời tự tình của con kinh với bao thăng trầm của cuộc sống. Bên cạnh đó, ngay trung tâm thành phố Vị Thanh còn có công viên Hoà Bình bên bờ Xà No trong nắng vàng tươi đẹp, tháp đồng hồ cao vút một biểu tượng đặc trưng của thành phố, trong lòng thành phố còn có một Hồ Sen rộng khoảng 1hecta ở đó trồng toàn sen với hương thơm toả ngát, ở giữa hồ còn có một hòn đảo nối vào bờ bằng chiếc cầu vòng rất ấn tượng.
Thành phố Vị Thanh về đêm
Hậu Giang – quê hương tôi, quê hương của những cánh đồng lúa bao la trĩu hạt, những dòng kinh tấp nập xuồng ghe, người dân cần cù sáng tạo, chân tình, hiếu khách, nếu ai đã từng đến Hậu Giang chắc hẳn sẽ có cảm xúc sâu lắng khó quên về miền đất này. Riêng tôi, sau một khoảng thời gian xa quê, hôm nay tôi được quay về làm việc trên quê hương của mình tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi có thể góp công sức của mình để tạo ra những đồng lúa, ruộng mía xanh tươi, những vườn trái cây trĩu quả… góp phần tạo cho quê hương Hậu Giang ngày thêm trù phú, tươi đẹp, vươn tới những tầm cao. Có lẽ sau này dù có làm việc gì, có đi đến đâu chăng nữa thì những hình ảnh về Hậu Giang cũng không phai nhạt trong tôi.
Ngô Thị Kim Quyến.